“Sống xanh” - chuyện trong tầm tay của các bà nội trợ
PN - Khái niệm “sống xanh” nghe có vẻ xa vời, nhưng thực chất, các bà nội trợ hoàn toàn có thể thực hiện nếu nắm được những nguyên tắc cơ bản.
Đó là thông điệp được đưa ra từ buổi trò chuyện “Phụ nữ và giải pháp sống thân thiện với môi trường-Nhà xanh, bếp xanh”, được Hội LHPN TP.HCM tổ chức hôm qua (28/7) . Buổi trò chuyện thu hút hơn 300 cán bộ Hội đến từ 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, dưới sự chủ trì của ThS Phạm Thị Bích Ngọc (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM).
Các cán bộ Hội hào hứng trao đổi với ThS Phạm Thị Bích Ngọc (bìa phải) về “bếp xanh, nhà xanh”
Từ “bếp xanh” đến “nhà xanh”
“Các chị cho biết, bếp xanh nghĩa là gì?”. Không có cánh tay nào giơ lên, bởi khái niệm này còn quá mới mẻ với số đông chị em. ThS Phạm Thị Bích Ngọc bắt đầu từ định nghĩa: “Bếp xanh là nhà bếp thân thiện với môi trường. Đó là sự chuẩn bị, chế biến thực phẩm sao cho tiết kiệm năng lượng, sử dụng thiết bị, đồ dùng nhà bếp được làm từ các vật liệu bền vững và tránh được hóa chất độc hại. Khâu chế biến thức ăn, xử lý rác cũng hợp vệ sinh môi trường”.
Theo vị chủ tọa, phần đông các bà nội trợ Việt chỉ mới chú trọng đến việc dọn dẹp sạch sẽ gian bếp, còn những vấn đề quan trọng khác cho gian “bếp xanh” chưa được quan tâm. ThS Bích Ngọc kể, bà từng ghé thăm gian bếp của một ngôi nhà ở Q.Thủ Đức và thấy gian bếp này nhiều nguy cơ độc hại, khi ôxy không đủ cho bếp gas cháy hết công suất, người đứng bếp làm sao khỏe mạnh được?
Đưa vấn đề này ra trao đổi, người chồng trong gia đình phớt lờ, bảo “mọi người vẫn hít thở bình thường đó thôi”. Bà Bích Ngọc đã phải dùng máy đo ôxy, đến lúc đó người chồng này mới chấp nhận và thay đổi cấu trúc nhà để gian bếp không bị thiếu khí. “Nếu bếp thiếu ôxy, đầu bếp sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, trẻ em đứng nhiều giờ trong gian bếp đó có nguy cơ bị thiểu năng” - ThS Bích Ngọc cảnh báo.
Không còn quá cứng nhắc với quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, ngày nay, phụ nữ cần biết những nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng nhà cửa và cùng chồng tạo nên “nhà xanh” - một xu thế mới hiện nay tại các nước phát triển. Mỗi căn nhà cần đáp ứng những tiêu chí cơ bản để thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe của con người tốt hơn như màu sắc dịu, luồng gió vào-ra hợp lý, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo mảng xanh.
Khi nghe nói về khái niệm “nhà xanh”, một khách mời tình thật: “Chúng tôi hiểu rằng xu thế chung của các nước phát triển là như vậy, nhưng với những gia đình còn khó khăn, còn phải lo cái ăn cái mặc thì làm sao lo cho nhà xanh với nhà không xanh?”. Đó cũng là suy nghĩ phổ biến của nhiều chị em khiến họ không quan tâm việc xây dựng “bếp xanh, nhà xanh”. Thực tế, những gia đình còn thiếu thốn cơ sở vật chất vẫn có thể khiến cuộc sống “xanh” hơn theo điều kiện của mình.
Những việc có thể làm ngay
Trong điều kiện hạn chế về tài chính cũng như cơ sở vật chất, các bà nội trợ vẫn có thể thực hiện ngay “xanh bếp”, “xanh nhà”.
Cụ thể, ThS Bích Ngọc hướng dẫn, để có “bếp xanh”, cần chọn đồ dùng, vật dụng nhà bếp có thời gian sử dụng dài để tránh thải liên tục chất độc hại ra môi trường. Nên mua nồi, xoong, chảo bằng chất liệu thép không gỉ hoặc gang vì chất liệu này bền. Đồng thời, hạn chế dùng đũa, muỗng, chén bằng nhựa; chọn loại dao có chất lượng tốt, nếu dao không còn bén, có thể mài bằng đá thay vì mài bằng máy; dùng khăn bàn ăn bằng vải tốt để giặt và dùng lại nhiều lần thay vì dùng khăn bằng giấy; dùng chén sứ.
Về năng lượng dùng trong bếp, nên chuyển từ gas sang điện vì dùng điện an toàn (không thải ra chất độc như gas) và cũng giúp gian bếp sạch sẽ hơn. Trong quá trình chế biến, hâm nóng thức ăn, các bà nội trợ cần lưu ý việc tiết kiệm năng lượng. Thói quen sai lầm phổ biến là các đầu bếp làm nóng lò trước rồi mới đặt thiết bị chế biến lên bếp, khi nấu xong mới tắt bếp. Trong khi đó, đầu bếp có thể tiết kiệm năng lượng bằng cách cho thiết bị nấu lên bếp rồi mới khởi động, trước khi thức ăn chín vài phút, có thể tắt bếp để tận dụng trọn vẹn sức nóng còn lại.
Ngoài ra, các bà nội trợ cần nắm bốn bước trong quy trình làm “xanh” bếp. Một, từ chối dùng thêm bao bì ni lông bằng cách mang theo túi riêng khi đi siêu thị hoặc đi chợ. Hai, tính toán kỹ để mua đồ ăn vừa đủ, tránh việc phải bỏ đi thức ăn thừa. Ba, tái sử dụng tất cả mọi vật dụng nếu có thể như chai, lọ thủy tinh, bao bì… Bốn, làm phân vi sinh với những thực phẩm thừa nếu có thể.
Về xây dựng “nhà xanh”, theo ThS Bích Ngọc, các bà nội trợ cần lưu ý về không gian sống của mình đã trong lành, mát mẻ hay chưa? Hiện có cách thông gió, lắp tấm cách nhiệt trên trần nhà chỉ tốn khoảng một-hai triệu đồng nhưng giúp nhiệt độ trong nhà giảm 3-50C, qua đó, tiết kiệm được điện năng làm mát.
Đa số chị em tham gia chương trình trò chuyện chưa biết đến khái niệm “thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng”. ThS Bích Ngọc cho biết: “Hiện các thiết bị điện được sản xuất theo công nghệ tiết kiệm điện được Nhà nước tài trợ nên có giá thấp hơn thiết bị điện thông thường. Dùng thiết bị có dán “nhãn xanh” lại tiết kiệm được 10% điện năng, vậy hà cớ gì mà không dùng?”.
Bên cạnh đó, các bà nội trợ cần vận động chồng thay đổi bóng đèn néon bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện; tập thói quen rút phích điện ti vi, máy tính, các thiết bị điện tử khác ra khỏi ổ cắm sau khi sử dụng, bởi khi các thiết bị điện được tắt, trạng thái chờ (standby) vẫn tiêu hao một lượng điện đáng kể.
Cuối cùng, “tạo mảng xanh” cho ngôi nhà là điều mà ThS Bích Ngọc nhấn mạnh: “Ở đất nước được xem là hạnh phúc nhất thế giới như Bhutan, khi chặt đi một cây xanh, người ta phải trồng bù vào ba cây khác, kể cả cây xanh quanh nhà. Trong điều kiện thiếu diện tích ở đô thị, chúng ta có thể tận dụng trồng cây xanh trên ban công hoặc treo cây xanh lên vách nhà. Dù bằng cách nào, đừng để ngôi nhà thiếu cây xanh”.
- Mời hội viên dự Hội thảo khoa học hình thức Online với chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp Vì sự phát triển phụ nữ & bình đẳng giới
- Mời viết báo cáo tham luận hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp Vì sự phát triển phụ nữ và bình đẳng giới"
- Cấp “sổ đỏ, sổ hồng” theo Thông tư 09/2021/TT-BTNMT: Dễ quản lý, thuận lợi cho dân
- Bị liệt sau tiêm vắc xin, một nhân viên y tế Hàn Quốc được công nhận "tai nạn lao động"
- Mời hội viên tham dự tọa đàm: Vai trò nữ luật sư, luật gia trong triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/8 đến 14/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 18/7 đến 31/7/2024