Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh - Tổ chức Hội thành viên của Hội Nữ trí thức Việt Nam, Liên hiệp Các hội Khoa học & Kỹ thuật TPHCM; Hội LH Phụ nữ TPHCM

A- Quá trình hình thành tổ chức Hội.

CLB Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh là tiền thân của tổ chức Hội Nữ trí thức Thành phố. CLB được Ban Thường vụ Hội LH Phụ nữ Hội Nữ Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập ngày 4/3/2011 với 28 thành viên sáng lập.

CLB Nữ trí thức TP. HCM có nhiệm vụ tập hợp nữ trí thức đã, đang công tác trên các lĩnh vực và hoạt động xã hội thuộc các sở, ban ngành, đoàn thể Thành phố Hồ Chí Minh, các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các cơ quan tương đương,…tham gia sinh hoạt, tham mưu đóng góp nâng cao chất lượng phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, CLB Nữ trí thức Thành phố đã từng bước xây dựng và phát triển thành viên mới, tổ chức một số hoạt động hiệu quả thiết thực tạo được sự hưởng ứng tích cực của các thành viên và cộng đồng xã hội như tổ chức các cuộc tọa đàm góp ý Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992; góp ý Văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2012- 2017; tổ chức các cuộc tọa đàm: Để nữ trí thức đồng hành cùng với Hội Phụ nữ, Cơ chế nào cho nữ trí thức, Khi nữ trí thức làm quản lý; tham gia hiến kế giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng túi ny lông tại TP. HCM cùng các hoạt động xã hội, từ thiện khác,…Đặc biệt từ năm 2014 CLB Nữ trí thức đã được Thành phố cấp kinh phí để triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Thực trạng năng lực chuyên môn và quản lý của nữ trí thức trong độ tuổi từ 56 đến 60 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh”.

Với mong muốn nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng hoạt động nhằm tập hợp sức mạnh đông đảo của nữ trí thức Thành phố trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tài năng trí tuệ, tạo ra những hiệu quả hoạt động có ý nghĩa sâu sắc cho sự phát triển Thành phố; hội viên CLB đã nhất trí đề nghị và được Ban Thường vụ Hội LH Phụ nữ Thành phố đồng ý chủ trương xin phép nâng cấp CLB lên thành tổ chức Hội. Ngày 19/7/2014, Ủy ban nhân dân Thành phố đã có quyết định số 3584/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh; và ngày 10/10/2014 Đại hội thành lập Hội NTT TP. HCM đã được tổ chức thành công tốt đẹp với 77 hội viên tham gia.

B- Đánh giá kết quả hoạt động sau 5 năm thành lập Hội (Nhiệm kỳ 2014-2019)

I. Công tác xây dựng phát triển tổ chức Hội

So với thời điểm Đại hội thành lập Hội (ngày 10/10/2014), Hội đã phát triển thêm 179 hội viên, nâng tổng số lên 257 hội viên thuộc 18 Chi hội, đạt 102,80 % so với chỉ tiêu nhiệm kỳ (chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ có tổng số hội viên là 250).

  • Số lượng hội viên được cơ cấu như sau: 
    • 136 hội viên tập thể thuộc 9 chi Hội
    • 121 hội viên cá nhân thuộc 9 chi Hội
  •  Trình độ hội viên: 
    • 1 Giáo sư – Tiến sĩ
    • 11 Phó Giáo sư – Tiến sĩ
    • 37 Tiến sĩ
    • 89 Thạc sĩ  
    • 119 hội viên có trình độ đại học (cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, luật sư, luật gia, bác sĩ, dược sĩ..).
  • Tuổi đời hội viên: 
    • Dưới 30t:                0,39%
    • Từ 30t đến 40t:     22,20%
    • Từ 41t đến 50t:     30,74%
    • Từ 51t đến 60t:     31,24%
    • Từ 61t đến 70t:     14,65%
    • Từ 71 trở lên:         0,78%
  • Thành lập 18 Chi hội, gồm:
    • 9 Chi hội hội viên tập thể: Chi hội Nữ trí thức Học viện Cán bộ Thành phố; Chi hội Nữ trí thức Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố; Chi hội Nữ trí thức Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố; Chi hội Nữ trí thức Đại học Luật; Chi hội Nữ trí thức Đại học Hoa Sen; Chi hội Nữ trí thức Nhà Văn hóa Phụ nữ Thành phố; Chi hội Nữ trí thức Báo Phụ nữ Thành phố; Chi hội Nữ trí thức Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố; Chi Hội Nữ trí thức Bệnh viện Tai mũi họng Thành phố. 
    • 9 Chi hội hội viên cá nhân: Chi hội Nữ trí thức Sở ban ngành Thành phố;

Chi hội Nữ trí thức Văn hóa - Văn nghệ; Chi hội Nữ trí thức Cán bộ hưu trí; Chi hội Nữ trí thức Trung tâm – Viện nghiên cứu; Chi hội Nữ trí thức Nhà báo; Chi hội Nữ trí thức Luật sư, luật gia; Chi hội Nữ trí thức  Doanh nhân; Chi hội Nữ trí thức Cựu cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ; Chi hội Nữ trí thức Văn nghệ sĩ. 

  • Thành lập Trung tâm Tư vấn hỗ trợ phụ nữ phát triển, với 23 tư vấn viên thuộc nhiều lĩnh vực: Luật sư, luật gia, bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia tư vấn tâm lý, tư vấn về giới và các vấn đề xã hội,… 
  • Thành lập Chi bộ Đảng gồm 6 đảng viên là các cán bộ chủ chốt trong Ban Chấp hành Hội.
  • Là tổ chức Hội thành viên của Hội Nữ trí thức Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh.

II. Công tác chính trị, xã hội

1. Tuyên truyền giáo dục truyền thống, tình cảm yêu nước; giáo dục phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 

Hội đã nghiên cứu, đầu tư tổ chức một số hoạt động có ý nghĩa, với hình thức phong phú, vừa mang tính bề nổi, vừa đi vào chiều sâu như:

  • Tổ chức Chương trình “Như là huyền thoại” nhân kỷ niệm 70 Quốc Khánh 2/9 nhằm tôn vinh trí tuệ, tinh thần yêu nước của của các thế hệ phụ nữ Nam bộ, phụ nữ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình như một thông điệp yêu nước gửi đến các giới, khẳng định vai trò của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, là biểu tượng sinh động của tinh thần "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Chương trình còn thể hiện tấm lòng, tình cảm tri ân của Hội Nữ trí thức Thành phố tôn vinh tinh thần yêu nước, đức hy sinh của các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
  • Biên khảo, ấn hành và tổ chức ra mắt giới thiệu sách “Nguyễn Thị Lựu – Cuộc đời và sự nghiệp”. Nội dung sách ca ngợi sự dấn thân, tinh thần hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của nữ trí thức Nguyễn Thị Lựu, nguyên Bí thư Ban Phụ vận kiêm Hội trưởng Hội Phụ nữ Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn  (1949 – 1954); 1000 cuốn sách đã được gửi tặng đến đại biểu dự Chương trình “Như là huyền thoại”, các trường đại học trong Thành phố, các cấp Hội Phụ nữ,  Trường THCS Nguyễn Thị Lựu – thành phố Cao Lãnh và các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp – Quê hương của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Lựu để làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống.
  • Tổ chức Chương trình “Đồng hành đi bộ gây quỹ vì sự phát triển phụ nữ” với gần 5000 nữ trí thức và sinh viên các trường đại học tham dự nhằm chuyển tải thông điệp sâu sắc với nhiều ý nghĩa nhân văn như: Không sử dụng phương tiện giao thông gây khí thải ô nhiễm môi trường; góp phần giảm tải ùn tắc giao thong; là môn thể thao rèn luyện sức khỏe phù hợp mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, khuyến khích các hội viên Hội Nữ trí thức Thành phố tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn,... 
  • Tổ chức các cuộc báo cáo chuyên đề cập nhật kiến thức cho hội viên như “Sức sống phụ nữ Việt Nam”, “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động định hình cho chiến lược phát triển công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh”, “Sức khỏe, vẻ đẹp và năng lực sáng tạo của phụ nữ thời hiện đại”,...
  • Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam thông qua kết nối đường link của Trang Thông tin điện tử tổng hợp của Hội (www.hoinutrithuctphcm.vn) với Cổng Thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh để tuyên truyền giới thiệu phim phóng sự của Đài Truyền hình Thành phố (HTV) “Biển đảo Việt Nam – Cội nguồn từ bao đời”. Tính đến nay đã có trên 50.000.000 lượt bạn đọc truy cập trang web của Hội.

2. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, phát triển cộng đồng 

  • “Trung tâm Tư vấn hỗ trợ phụ nữ phát triển” đã từng bước phát huy năng lực chuyên môn của các tư vấn viên trong nhiều hình thức tư vấn (tư vấn qua điện thoại, email, trực tuyến, trực tuyến trên Website của Hội, tư vấn tại cộng đồng) nhằm giúp cho các đối tượng phụ nữ có thể tiếp cận ngày càng sâu các nội dung cần tư vấn. 
  • Tổng số tiền Hội vận động trong 5 năm qua để thực hiện các hoạt động vì cộng đồng trị giá trên 6.680.000.000 đ, gồm các hoạt động sau:
    • Vận động hội viên đóng góp để tổ chức và phát triển Chương trình hỗ trợ học bổng “Vì nữ sinh viên vượt khó, học giỏi” từ 2015 đến nay. Trong 4 năm qua Hội đã tổ chức 4 lần tặng học bổng cho 119 lượt nữ sinh viên với tổng trị giá tiền là 257.000.000 đ. (Mỗi năm học tặng 24 suất, riêng năm học 2018-2019 tăng lên 47 suất trị giá 99.000.000đ). 
    • Hỗ trợ 30.000.000 đồng ủng hộ Quỹ học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh; tặng Quỹ học bổng khuyến học tỉnh Trà Vinh trị giá 50.000.000đ; tặng học bổng trị giá 20.000.000 đ cho 20 nữ sinh trường THCS Nguyễn Thị Lựu, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
    • Phối hợp cùng Câu lạc bộ Cán bộ nữ Thành phố Hồ Chí Minh vận động 2.100.000.000 đồng hỗ trợ “Quỹ học bổng cho học sinh nữ nghèo hiếu học có nguy cơ bỏ học” của 7 tỉnh thành phố, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre (mỗi nơi 300 triệu đồng).
    • Phối hợp với một số tổ chức xã hội, đơn vị doanh nghiệp vận động trên 3.500.000.000 đồng thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện như ủng hộ đóng góp Quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”, Quỹ “Vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Thành phố phát động; tặng 2 căn nhà tình nghĩa, tặng quà tết cho trên 6.500 lượt gia đình giáo viên, đồng bào nghèo (mỗi năm tặng quà cho 1200 đến 1700 gia đình); đóng góp ủng hộ phong trào cứu trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ; tặng quà tết cho bộ đội hải quân Vùng 5, Trung tâm dưỡng lão nghệ sĩ Thành phố, tặng máy trợ thở cho bệnh nhi có hoàn cảnh gia đình nghèo,...
    • Tổ chức Chương trình đồng hành đi bộ gây quỹ vì sự phát triển phụ nữ. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ 600.000.000đ đóng góp cho các nguồn quỹ vì cộng đồng của Hội Nữ trí thức Thành phố, Hội Nữ doanh nhân Thành phố & Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố.
    • Tuyên truyền vận động hội viên thực hiện 2 công văn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Công văn số 127/ĐCT-DTTG ngày 28/02/2018 về việc tuyên truyền, vận động hội viên nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và Công văn số 1619/ĐCT ngày 28/5/2018 về việc nhắn tin ủng hộ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao). Thông qua email, viber, zalo của từng cá nhân hội viên, website của Hội và tại các cuộc họp (sinh hoạt chuyên đề, giao lưu, họp Chi bộ Đảng),...Hội đã vận động được trên 450 lượt hội viên, cán bộ nữ Thành phố hưởng ứng nhắn tin, trị giá tiền ủng hộ trên 8.000.000 đồng; đồng thời vận động hội viên đóng góp 126.000.000 đồng để tặng 58 xe đạp trị giá 116.000.000 đồng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, và 10.000.000đ ủng hộ chương trình mái ấm cho phụ nữ nghèo xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. 

III. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giám sát, phản biện xã hội

  • Bảo vệ thành công (đạt loại xuất sắc) đề tài nghiên cứu “Thực trạng năng lực chuyên môn và quản lý của nữ trí thức trong độ tuổi từ 56 đến 60 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Đề tài do Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố đặt hàng cho Câu lạc bộ Nữ trí thức Thành phố (tiền thân của Hội Nữ trí thức Thành phố) thực hiện từ tháng 8/2013 đến tháng 5/2016.
  • Giám định thành công giai đoạn 1 đề tài nghiên cứu “Vai trò của Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế”. Đề tài sẽ được bảo vệ trong quý 4/2019.
  • Tổ chức 7 cuộc hội thảo với nhiều chủ đề: “Thực trạng vai trò và vị thế nữ trí thức Việt Nam trong phát triển bền vững”; “Giải pháp phát huy hiệu quả vai trò nữ trí thức trong tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng”; “Giải pháp nâng cao chất lượng nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”; “Doanh nhân với vấn đề bình đẳng giới”; “Vấn đề giới trong hoạt động khoa học kỹ thuật và hội nhập quốc tế”; “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Nhìn từ quan điểm giới”, “Vai trò của Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế”.
  • Tham gia góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 – 2020; Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 – 2022; góp ý 2 dự thảo đề án của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Đề án thí điểm Chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và Đề án về thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ; góp ý Dự án “Hỗ trợ phát triển gia đình trong đối tượng phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện; góp ý Dự thảo Luật về Hội, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động Hội Nữ trí thức với Đoàn công tác cán bộ nữ tỉnh Bình Phước,...

- Tham gia phản biện, tham gia các hoạt động khảo sát do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố tổ chức, như khảo sát thu thập thông tin và báo cáo đánh giá chất lượng hội viên, vai trò của các tổ chức hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; góp ý dự thảo Luật về Hội; khảo sát nghiên cứu khoa học bằng bảng hỏi đối với hội viên và báo cáo đánh giá vai trò của tổ chức Hội nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu dự án “Thúc đẩy quyền lao động và quyền công đoàn trong các hội nghề nghiệp và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật hướng tới thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ở Việt Nam” do Viện Công đoàn và Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện.

IV. Đánh giá chung và bài học kinh nghiệm

1. Đánh giá chung

5 năm qua, Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức Thành phố đã tập trung lãnh đạo hoạt động Hội hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2014 - 2019 theo đúng tiến độ thời gian. Cụ thể là:

  • Hội đã tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức Hội từ Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức Thành phố đến các Chi hội; số lượng thành phần hội viên phát triển không chỉ đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ mà còn đa dạng trong nhiều ngành nghề, đơn vị trường học, bệnh viện,…  Đồng thời từng bước phát huy vai trò chủ động sinh hoạt của các Chi hội với những nội dung phù hợp, phát huy được khả năng chuyên môn nghề nghiệp của hội viên; qua đó, xây dựng được những hạt nhân nòng cốt trong hội viên góp sức cùng Ban Chấp hành tổ chức hiệu quả các chương trình hoạt động Hội.
  • Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã bám sát chức năng tôn chỉ mục đích hoạt động Hội; tạo diễn đàn học thuật cho hội viên, khuyến khích hội viên tham gia nghiên cứu khoa học, đóng góp nhiều tham luận, ý kiến có giá trị cho các cuộc hội thảo, tọa đàm do Hội tổ chức. 
  • Tổ chức được những hoạt động xã hội, từ thiện có ý nghĩa khuyến học, khuyến tài và động viên, khích lệ được sự tham gia hưởng ứng của khá đông hội viên cùng sự đồng hành của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức doanh nghiệp. 
  • Hội đã thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm trong chia sẻ công việc đối với các tổ chức hội thành viên là Hội Nữ trí thức Việt Nam, LH Các hội Khoa học & Kỹ thuật TPHCM và Hội LH Phụ nữ TPHCM; kết nối hội viên các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội cùng tham gia các hoạt động có tương đồng về tôn chỉ mục đích hoạt động.

Nguyên nhân đạt được những kết quả nêu trên:

Nguyên nhân khách quan

  1. Sự quan tâm chỉ đạo và ủng hộ của Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng các sở ngành chức năng trong công việc xúc tiến nhanh các thủ tục xin phép thành lập Hội, ban hành Điều lệ Hội, nhất là quan tâm tham dự các chương trình hoạt động do Hội tổ chức để vừa lắng nghe ý kiến, vừa động viên tinh thần cho hội viên và tập thể BCH.
  2. Sự hỗ trợ nhiệt tình và tạo điều kiện về nhiều mặt của các tổ chức hội thành viên trong việc công nhận Hội Nữ trí thức TP là Hội thành viên, bổ sung lãnh đạo Hội vào BCH. Trong đó: Hội Nữ trí thức Việt Nam cơ cấu Chủ tịch Hội là ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Các vấn đề Xã hội, Phó chủ tịch Thường trực là ủy viên Ban chấp hành; LH Các hội Khoa học và Kỹ thuật đã bố trí văn phòng làm việc, ra quyết định thành lập Chi bộ Hội Nữ trí thức TP trực thuộc Đảng bộ LHH đã tạo thêm điều kiện và cơ chế cho hoạt động Hội; Hội LH Phụ nữ TPHCM hỗ trợ công tác tổ chức các hoạt động Hội, phòng họp, văn thư, hành chính quản trị,...
  3. Sự đồng hành của các tổ chức doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các chương trình vì cộng đồng, những hoạt động tương đồng về tôn chỉ mục đích hoạt động... đã góp phần giải quyết những khó khăn ban đầu về quỹ Hội.

Nguyên nhân chủ quan

  1. Trên cơ sở phát huy những kết quả hoạt động của tổ chức tiền thân CLB Nữ trí thức TPHCM (được thành lập từ năm 2011), cùng sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực Hội trong việc sớm ban hành (chỉ sau một tháng Đại hội thành lập Hội) Quy chế hoạt động của BCH, Quy chế Quản lý tài chính, tài sản Hội, cùng các quy định khác nhằm đảm bảo tính pháp lý trong chỉ đạo và tổ chức các hoạt động Hội đã giúp cho hoạt động Hội tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó là việc hình thành và phân công trách nhiệm cụ thể của 5 nhóm chuyên đề phù hợp nhiệm vụ chuyên môn của các UV BCH đã giúp cho các chị chủ động hơn trong phát huy vai trò, khả năng của từng UV BCH. Theo đó, các UV BCH (nhất là các Chi Hội trưởng) đã nghiên cứu tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công; chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với công tác chuyên môn đặc thù của hội viên tại các chi Hội. 
  2. Phát huy tốt chức năng các công cụ truyền thông của Hội như Website, Email, Zalo, Viber,… đã giúp cho các hội viên nhanh chóng cập nhật, nắm bắt kịp thời các thông tin chỉ đạo và kết quả các hoạt động Hội; giúp Ban Thường trực Hội thường xuyên giữ mối liên lạc với các UV BCH, Chi hội trưởng và hội viên, qua đó đã tiết kiệm tối đa các chi phí hành chính.
  3. Sự quan tâm chăm lo đời sống tình cảm, động viên tinh thần cho toàn thể hội viên và tập thể BCH thông qua các cuộc họp mặt đầu xuân, họp mặt kỷ niệm ngày thành lập Hội, tặng hoa chúc mừng hội viên được đề bạt thăng chức, đoạt các giải thưởng trong hoạt động chuyên môn, mừng thọ hội viên cao tuổi, thăm viếng hội viên khi ốm đau, gia đình hữu sự, đề xuất khen thưởng cho hội viên,… đã góp phần tạo thêm sự gắn kết, tin tưởng, ủng hộ của hội viên với tổ chức Hội.
  4. Vai trò của Chi bộ Đảng đã góp phần tích cực trong công tác kiểm tra giám sát, tham mưu chỉ đạo hoạt động Hội.

Bên cạnh những kết quả có ý nghĩa nền tảng trong nhiệm kỳ đầu thành lập Hội, hoạt động Hội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trên các mặt sau:

  • Hoạt động của các ủy viên Ban Chấp hành chưa đều tay, một số không thường xuyên tham dự họp Ban Chấp hành và các hoạt động Hội, cá biệt có những ủy viên chưa một lần tham dự họp Ban Chấp hành trong suốt nhiệm kỳ, đã dẫn đến hạn chế trong nghiên cứu, góp ý và tham gia thực hiện chương trình hoạt động Hội. 
  • Việc tổ chức sinh hoạt tại chi Hội còn nhiều hạn chế; các Chi hội ghép hội viên cá nhân (không công tác cùng đơn vị) gặp khó khăn trong tập hợp sinh hoạt, trao đổi bàn bạc công việc và thu hội phí. 
  • Công tác phát triển hội viên tuy có đa dạng lĩnh vực hoạt động nhưng số hội viên có chuyên môn trong các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất thấp (trên 3%), số hội viên có độ tuổi dưới 40 tuổi chiếm  22,20%, dưới 30 tuổi chỉ chiếm 0,39%. 
  • Công tác xây dựng quỹ Hội, thu hội phí còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hội viên đóng hội phí đạt khoảng 30%; tỷ lệ hội viên tham gia các buổi sinh hoạt chỉ đạt gần 40%.

Nguyên nhân hạn chế

  1. Nội dung, hình thức hoạt động Hội chưa thật sự tạo sức hấp dẫn đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt.
  2. Sự eo hẹp về quỹ Hội là nguyên nhân trực tiếp làm hạn chế việc tổ chức các hoạt động giao lưu, tham quan, sinh hoạt dã ngoại cho hội viên.
  3. Các Ủy viên Ban Chấp hành đương chức phần đông là cán bộ lãnh đạo nên thường bận công tác của đơn vị, số Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ hưu trí thì cũng có những công việc hợp đồng, số khác lại bận việc gia đình, đi du lịch nước ngoài thăm con,…vì vậy, các cuộc họp Ban Chấp hành định kỳ thường không đủ 50% số ủy viên tham dự (phải xin ý kiến biểu quyết các vấn đề quan trọng qua email). 
  4. Ban Thường trực, Ban Thường vụ Hội và bộ phận giúp việc chủ yếu là kiêm nhiệm nên rất vất vả trong công tác điều hành tổ chức các hoạt động.

2. Bài học kinh nghiệm

  1. Phát huy sức mạnh của tập thể Ban Chấp hành, từng cá nhân ủy viên và các Chi hội trưởng thông qua việc xây dựng quy chế làm việc, phân công phân nhiệm cụ thể phù hợp với chuyên môn, đặc thù công việc của từng thành viên đã giúp các chị nghiên cứu lồng ghép tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với công tác Hội.
  2. Tăng cường các hoạt động kết nối, phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức hội thành viên nhằm tạo ra khả năng liên kết, chia sẻ nguồn nhân lực, tài lực để cùng tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình hoạt động có tương đồng về tôn chỉ mục đích.
  3. Chủ động tham mưu, đề xuất kiến nghị với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, các ngành chức năng trong việc tạo điều kiện, cơ hội cho Hội được tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức các các hội thảo, tham gia phản biện các đề tài, dự án liên quan đến phụ nữ, nữ trí thức và bình đẳng giới.

 

       


Phần mềm giao nhận logistic